Cách đào thải thuốc kháng sinh nhanh chóng, an toàn
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Triệu chứng ngộ độc kháng sinh
Ngộ độc khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách
Khi dùng thuốc kháng sinh quá liều, những triệu chứng bất thường hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng sinh sẽ trầm trọng hơn. Tùy vào từng loại thuốc kháng sinh bạn sử dụng mà ảnh hưởng của việc dùng quá liều đối sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây đe dọa tính mạng, tổn thương cơ quan, gây ra các bệnh mạn tính cho người bệnh
1.1 Những triệu chứng thường gặp khi ngộ độc kháng sinh
Liều gây độc của các nhóm kháng sinh và triệu chứng ngộ độc của chúng khác nhau, tuy nhiên cơ bản khi ngộ độc kháng sinh bạn sẽ gặp cá triệu chứng như:
- Người bệnh sẽ cảm thấy buồn ngủ, nhầm lẫn hoặc hôn mê.
- Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và hô hấp, huyết áp có thể tăng hoặc giảm đột ngột. Đôi khi các dấu hiệu này cũng không xảy ra.
- Da có thể thay đổi theo hai tình trạng: Có thể mát và bị ra nhiều mồ hôi hoặc da bị nóng và khô
- Có thể xuất hiện triệu chứng đau ngực do bị tổn thương tim, phổi
- Khó thở hoặc thở nhanh/chậm, thở nông/sâu
- Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có thể sẽ nôn hoặc nôn ra máu.
1.2 Những triệu chứng ngộ độc của từng nhóm kháng sinh khác nhau
Do kháng sinh có rất nhiều nhóm và nhiều tác dụng khác nhau nên triệu chứng khi quá liều gây độc của chúng cũng không giống nhau. Tuy nhiên, đa phần ngộ độc là do tác dụng dược lý của kháng sinh ở mức độ mạnh hơn và kéo dài hơn. Trong khi điều trị, chúng ta cũng cần sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau, ngoài ra còn phối hợp thêm nhiều loại thuốc khác. Do vậy, tương tác thuốc có thể xảy ra làm tăng hoặc giảm độc tính của thuốc kháng sinh. Sau đây là triệu chứng ngộ độc của một số nhóm kháng sinh thường gặp
1.2.1. Nhóm kháng sinh beta- lactam
- Dị ứng, những triệu chứng thường gặp là: Choáng, khó thở, trụy tim mạch, ngứa, mày đay
- Loạn khuẩn ở đường ruột: Đi ngoài phân lỏng
- Bệnh não cấp: Có thể xuất hiện triệu chứng rối loạn ý thức, tăng phản xạ, co cơ, có thể co giật hôn mê.
- Tai biến về máu: Chảy máu, giảm bạch cầu trung tính
1.2.2. Nhóm kháng sinh aminoglycosid (AG)
- Rối loạn về thính giác.
- Độc với thận.
- Làm giãn cơ vân: có thể gây liệt cơ, ảnh hưởng tới chức năng hô hấp.
1.2.3. Chloramphenicol
- Tai biến về máu: Thiếu máu (độc tính này phụ thuộc vào liều: liều cao, dùng kéo dài làm tăng nguy cơ xuất hiện độc tính) hoặc thiếu máu bất sản (vô cùng nguy hiểm, độc tính không phụ thuộc liều lượng).
- Hội chứng xám: nôn, tím xanh, phân xanh, nhịp thở nhanh, ngủ lịm, rồi trụy mạch và tử vong.
1.2.4. Nhóm kháng sinh Tetracyclin
- Gắn vào xương, răng trẻ em trong thời kỳ đang phát triển, gây chậm phát triển xương, hỏng răng, vàng răng.
- Rối loạn tiêu hóa, gây viêm miệng và thực quản.
1.2.5 Nhóm kháng sinh Lincosamid
- Đi lỏng, gây viêm ruột kết màng giả (ỉa tháo nhiều nước, mất nước, mất điện giải, sốt…).
- Một số tai biến khác: Vị giác khác thường, viêm miệng, nôn, ngứa hậu môn…
1.2.6. Nhóm Quinolon (thế hệ I và II)
- Triệu chứng trên tiêu hóa: Đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, cảm giác đè nặng ở dạ dày, nôn.
- Triệu chứng trên thần kinh: Đau nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn, ngủ gà, ảo giác, co giật.
- Tổn thương trên mô sụn.
2. Hướng dẫn cách giải độc thuốc kháng sinh an toàn và hiệu quả
Tình trạng ngộ độc, quá liều thuốc thường gặp ở đối tượng trẻ em, người già, những người bị suy gan, suy thận. Bởi vì khi dùng kháng sinh, thuốc được hấp thu vào vào tuần hoàn, chuyển hóa qua gan và thải trừ thận.
Ở trẻ em (chức năng gan thận chưa phát triển đầy đủ), người già và người suy gan, suy thận (chức năng của gan thận bị suy giảm) khi lạm dụng kháng sinh quá nhiều, sử dụng liều không hợp lý sẽ gây ra tình trạng ngộ độc vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Tuy nhiên, người có sức khỏe bình thường vẫn có thể bị ngộ độc kháng sinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau (uống quá liều, dùng nhiều kháng sinh có cùng độc tính, tương tác khi sử dụng thuốc…)
Khi người bệnh có dấu hiệu bị ngộ độc thuốc kháng sinh cần:
- Phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để có thể được phát hiện, xử lý và điều trị kịp thời.
- Việc điều trị sẽ tùy theo từng loại thuốc kháng sinh mà người bệnh dùng quá liều.
- Bệnh nhân có thể được gây nôn để đẩy kháng sinh ra khỏi cơ thể: Đối với trường hợp khi mới uống thuốc và bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, hợp tác tốt.
- Có thể bệnh nhân sẽ cần phải rửa dạ dày giúp loại bỏ thuốc một cách cơ học (đối với thuốc chưa được hấp thu khỏi dạ dày, tùy thuộc vào thời gian bán thải, tính chất sinh hóa của thuốc mà sử dụng các phương pháp khác nhau).
Có thể bệnh nhân sẽ được chỉ định rửa dạ dày để loại bỏ kháng sinh ra khỏi cơ thể nhanh chóng
- Một vài trường hợp bệnh nhân cần phải đặt nội khí quản (tức là đặt ống dẫn khí) để có thể bảo vệ được phổi hoặc giúp cho người bệnh thở (khi có triệu chứng khó thở) trong quá trình giải độc.
- Một số trường hợp có thể cần dùng một số loại thuốc giải độc đặc hiệu (thuốc giải độc để có thể ngăn cản tác dụng của thuốc kháng sinh đã uống hoặc là để ngăn chặn các tác hại của thuốc kháng sinh....)
- Biện pháp bài niệu tích cực: Hầu hết các kháng sinh thải trừ qua thận và bài tiết qua nước tiểu, do vậy duy trì lượng nước tiểu làm giảm độc tính của kháng sinh lên cơ thể. Ngoài ra khi sử dụng quá liệu một số loại kháng sinh như Sulfonamide, Amoxicillin, Ampicillin gây suy thận cấp, việc đảm bảo được lưu lượng nước tiểu giúp có thể tránh được tình trạng này. Bác sĩ sẽ cho bạn truyền các dung dịch đẳng trương (thường là glucose 5% và natri clorua 0,9%) để đảm bảo đào thải được kháng sinh ra khỏi cơ thể
3. Kết luận về cách xử trí khi ngộ độc kháng sinh
Kháng sinh là loại thuốc cần cẩn thận khi sử dụng, phải có sự chẩn đoán và kê đơn từ bác sĩ tránh tự ý mua thuốc kháng sinh để sử dụng
Việc chẩn đoán tình trạng ngộ độc thuốc kháng sinh phần lớn dựa vào khai thác tiền sử sử dụng thuốc, bệnh sử của bệnh nhân và bằng chứng vỏ thuốc bệnh nhân sử dụng. Trong một số trường hợp đối với một số loại thuốc kháng sinh có thể cần phải xét nghiệm nồng độ thuốc trong máu hoặc trong nước tiểu để có thể đánh giá mức độ độc.
Nếu như bệnh nhân bị ngộ độc khi dùng thuốc quá liều thì cần phải làm cho nôn hết thuốc. Nếu như có triệu chứng ngừng thở, cần phải hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Đa số các cách để giúp đào thải kháng sinh nhanh chóng ra khỏi cơ thể được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa, vậy nên khi có dấu hiệu bị ngộ độc khi sử dụng thuốc kháng sinh hãy đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt không được tự ý dùng thuốc để giải độc kháng sinh khi không có chỉ định hoặc tham khảo ý kiến từ các bác sĩ, dược sĩ.
Biện pháp giúp phòng ngừa ngộ độc khi sử dụng thuốc kháng sinh: Sử dụng thuốc kháng sinh đúng theo đơn, dùng đúng và đủ liều dùng, thời điểm dùng, đúng thời gian sử dụng trong đơn thuốc hoặc theo lời bác sĩ.
Medigo app vừa chia sẻ cho bạn những thông tin về cách đào thải thuốc kháng sinh ra khỏi cơ thể nhanh chóng, an toàn. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm kiến thức hữu ích về các triệu chứng khi ngộ độc thuốc kháng sinh và biết cách xử lý ngộ độc nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho mọi người.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(3 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm