lcp

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ ở từng độ tuổi: Tại sao không?

4.8

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Bài viết sau đây gợi ý một số hướng dẫn mới nhất về các xét nghiệm, sàng lọc và những kiểm tra sức khỏe mà một người phụ nữ cần ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Cùng Medigo tìm hiểu chi tiết nhé!

Những kiểm tra mà những cô nàng “tuổi teen” nên thực hiện

image4.png

Khám bác sĩ sản phụ khoa

Bắt đầu từ 13 – 17 tuổi, các bé gái nên bắt đầu việc gặp các bác sĩ sản phụ khoa để hiểu những vấn đề mình có thể gặp phải và tiếp nhận những thông tin về cách làm thế nào để giữ gìn sức khỏe.

Bác sĩ Rosser nói rằng: “Chúng tôi được biết đến là các bác sĩ lâm sàng, người có trách nhiệm chăm sóc mọi vấn đề về sức khỏe ở phụ nữ. Các bệnh nhân tuổi teen không nhất thiết phải khám phụ khoa, ngay khi họ có quan hệ tình dục và việc xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung trước 21 tuổi là không cần thiết, vì một số nghiên cứu cho thấy việc khám cổ tử cung trước 21 tuổi tồn tại những nguy cơ nhiều hơn so với lợi ích mà nó mang lại."

Bác sĩ Rosser giải thích thêm: “Ngay cả trong độ tuổi 21 – 25, các hướng dẫn gần đây cho thấy lợi ích của việc sàng lọc bằng phết tế bào cố tử cung là cực kỳ thấp. Khi bạn dưới 25 tuổi, các tế bào ở cổ tử cung thường có những sự thay đổi – xuất hiện những tế bào bất thường – và chúng thường tự biến mất. Những kết quả cho thấy có bất thường sau khi thực hiện phết tế bào cổ tử cung thường dẫn đến những xét nghiệm tiếp theo, và những xét nghiệm này có thể gây ra các biến chứng với tỷ lệ thấp”. Việc tái khám có thể bao gồm:

  • Tư vấn các biện pháp tránh thai – bất kể các bạn đang có quan hệ tình dục hay không. “Tôi muốn cho bạn một số ý tưởng về vấn đề quan hệ tình dục, cách bạn chăm sóc cơ thể, tôn trọng cơ thể của mình cũng như cách để các bạn bảo vệ bản thân. Chúng tôi thảo luận về các biện pháp tránh thai và những điều cần chú ý đối với các mối quan hệ lành mạnh hay bạo lực đến từ bạn tình” – bác sĩ nói.
  • Về các vấn đề liên quan đến xu hướng tính dục cũng như các mong muốn về giới tính. Bác sĩ Rosser nói rằng: “Điều thực sự quan trọng là mọi người thoải mái với bác sĩ mà họ đã lựa chọn để được tư vấn. Ở đó, họ có thể thực sự nói lên những mong muốn về giới tính và xu hướng tính dục của mình một cách chân thực”.

Vaccin chủng ngửa HPV (Human papillomavirus)

Vaccin HPV giúp cơ thể chống lại sự phát triển của một số bệnh ung thư có thể xảy ra trong tương lại, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo tất cả trẻ em cả bé trai lẫn bé gái nên được chủng ngừa HPV ở tuổi 11 hoặc 12.

Kiểm tra huyết áp

"Việc kiểm tra tình trạng huyết áp giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể có như tiểu đường, béo phì và các bệnh về tim mạch. “Mặc dù thảo luận về những vấn đề này có vẻ sớm đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, tuy nhiên tốt hơn hết những cuộc trò chuyện sớm nên được diễn ra để các cô gái hiểu về việc chăm sóc sức khỏe và cơ thể của mình. Bạn càng nói nhiều về nó, họ sẽ càng lắng nghe nhiều hơn. Học là quá trình lặp đi lặp lại như vậy.” – Bác sĩ Rosser nói.

Kiểm tra “mỡ máu”

Nên được thực hiện một lần trước khi bước qua tuổi vị thành niên. Xét nghiệm này sẽ kiểm tra lượng cholesterol và triglyceride (đây là những yếu tố có thể khiến bạn gặp phải tình trạng “tăng mỡ máu”).

“Những “chuyến thăm khám” này cũng là cơ hội để các bác sĩ nói về việc sử dụng rượu, ma túy và thuốc lá, cũng như các chủ đề đang gặp phải rất nhiều ở tuổi teen như lo lắng và trầm cảm” – Bác sĩ Rosser cho biết thêm.

Những kiểm tra cần thực hiện ở phụ nữ tuổi 20 & 30

image2.png

Chăm sóc sức khỏe ban đầu

Mỗi năm một lần. “Độ tuổi 20 và 30 là thời điểm lý tưởng để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn hoặc xác định các yếu tố nguy cơ của bạn với một số vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, thậm chí là các nguy cơ về tiền sử gia đình với các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch hay giảm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục”. Bác sĩ Rosser.

Xét nghiệm Pap và thăm khám vùng chậu

Xét nghiệm Pap được thực hiện trong quá trình khám Sản phụ khoa để tầm soát ung thư cổ tử cung và HPV. Bác sĩ Rosser cho biết quan niệm phổ biến về việc phải xét nghiệm Pap và khám vùng chậu hằng năm là sai lầm. “Chúng tôi đã luôn luôn quan niệm rằng các xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và khám phụ khoa đồng nghĩa với một đợt khám sức khỏe hằng năm, tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như vậy” – Cô nói thêm. “Các hướng dẫn của ACOG và các tổ chức sức khỏe phụ nữ khác thường xuyên khuyên phụ nữ nên giảm bớt số lượng xét nghiệm mà họ thực hiện trong suốt cuộc đời để đảm bảo nhận được tối đa các lợi ích của việc xét nghiệm đồng thời giảm thiểu những tác hại có thể xảy ra”.

Phụ nữ ở độ tuổi từ 21 – 29 nên được tầm soát ung thư cổ tử cung ba năm một lần. Đối với phụ nữ từ 21 – 25 tuổi, lợi ích của việc xét nghiệm Pap tỏ ra không đáng kể vì nguy cơ ung thư cổ tử cung ở lứa tuổi này là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, đối với phụ nữ chưa chủng ngừa HPV, có thể xem xét việc kiểm tra với xét nghiệm này. Bạn nên đưa ra quyết định sau khi đã xem xét hai yếu tố sau: có tiền sử bất thường trong xét nghiệm Pap và HPV trước đó hay không và tình trạng tiêm vắc-xin HPV của bạn như thế nào?

Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên được tầm soát ba năm một lần đối với riêng ung thư cổ tử cung, năm năm một lần với HPV, hoặc 5 năm một lần nếu muốn xét nghiệm cả hai cùng lúc.

Khám ngực

Việc này nên được thực hiện trong mỗi lần khám sản phụ khoa bắt đầu từ năm 19 tuổi.

Kiểm tra các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI)

Nữ giới dưới 25 tuổi và đang có quan hệ tình dục nên được xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia hàng năm. Nữ giới có thể muốn được tư vấn thêm về một số xét nghiệm STI khác từ bác sĩ, đặc biệt là nếu họ đang ở trong tình trạng có nhiều bạn tình. Bác sĩ Rosser cho biết thêm: “Nếu bạn đang quan hệ tình dục, xét nghiệm STI là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất bạn nên thực hiện để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân. Hãy trò chuyện một cách cởi mở và trung thực về vấn đề tình dục của bản thân và tiền sử xét nghiệm STI với bác sĩ, và hỏi bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào bạn thấy là cần thiết.

Lưu ý: Khi trong tình trạng thai kỳ, việc tầm soát STI sẽ diễn ra theo từng khoảng thời gian cụ thể.

Kế hoạch hóa gia đình

Việc này sẽ tập trung vào các biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa sinh sản, tất cả đều quan trọng ở nữ giới đang có kế hoạch lập gia đình. Đối với những phụ nữ đã từng mang thai, việc đánh giá tiền sử thai nghén là vô cùng quan trọng. Ví dụ, nếu phụ nữ mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về huyết áp, chẳng hạn như tiền sản giật khi đang mang thai, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những đối tượng này. Bác sĩ Rosser nói rằng: “Mang thai thường là một cánh cửa dẫn đến sức khỏe tương lai của một người phụ nữ”.

Kiểm tra huyết áp

Việc này nên được thực hiện mỗi năm một lần. Vì các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ ở Mỹ, bác sĩ Rosser khuyên phụ nữ nên chú ý đến tình trạng huyết áp, cholesterol, quản lý cân nặng và các yếu tố liên quan đến lối sống như chế độ ăn uống và luyện tập thể thao. “Tốt nhất là bạn nên kiểm tra huyết áp của mình nhiều lần trong năm, không chỉ trong lần kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần”.

Kiểm tra di truyền

Tùy theo nhu cầu và tình trạng của mỗi người. “Nếu tiền sử gia đình có hiện diện các bệnh như ung thư, bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư đại tràng, thì tôi sẽ giới thiệu họ đến một chuyên gia tư vấn về di truyền” Bác sĩ Rosser nói.

Những kiểm tra sức khỏe cần thiết cho phụ nữ ở độ tuổi 40 & 50

image3.png

Chăm sóc sức khỏe ban đầu

Ít nhất một năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu cảm thấy cần thiết.

Xét nghiệm máu và kiểm tra “mỡ máu” định kỳ

Đo huyết áp, đường huyết, cholesterol… ít nhất mỗi năm một lần hoặc khi cần thiết.

Xét nghiệm cổ tử cung và thăm khám vùng chậu

Tầm soát ung thư cổ tử cung ba năm một lần, HPV năm năm một lần, hoặc năm năm một lần khi kết hợp cả hai xét nghiệm.

Tầm soát ung thư vú Mỗi năm một lần, bắt đầu từ lúc 45 tuổi. Phụ nữ từ 40 – 44 tuổi có thể lựa chọn bắt đầu chụp X-quang tuyến vú hàng năm nếu họ muốn; phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có thể chuyển sang hai năm một lần nếu thấy cần thiết.

Nội soi đại tràng

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên bạn nên bắt đầu tầm soát ở tuổi 45 hoặc càng sớm càng tốt nếu bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng. Đối với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này, thông thường nên đi nội soi 10 năm một lần sau khi đã kiểm tra sức khỏe ban đầu.

Sàng lọc ung thư phổi

Khuyến cáo người lớn từ 55 tuổi trở lên nên được kiểm tra nếu họ đã hút thuốc trong 30 năm và hiện đang hút thuốc hoặc nếu đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua.

Những kiểm tra sức khỏe cần thiết cho phụ nữ trên 60 tuổi

image1.png

Xét nghiệm Pap và thăm khám vùng chậu

Dựa trên các hướng dẫn hiện có, xét nghiệm Pap không khuyến cáo thực hiện thường xuyên sau 65 tuổi. Việc đưa ra những quyết định nên được thực hiện sau khi có sự trao đổi giữa người phụ nữ và bác sĩ dựa trên tiền sử của chính cô ấy.

Xét nghiệm máu và tầm soát “mỡ máu” định kỳ

Ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên khi cần thiết. Thay đổi đối với từng cá nhân và phụ thuộc vào tiền sử gia đình đối với ung thư đại tràng và kết quả nội soi đại tràng trước đó. Đối với hầu hết những người không có nguy cơ cao mắc bệnh, nên nội soi đại tràng 10 năm một lần sau khi bước sang tuổi 45.

Loãng xương

Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có khối lượng xương bình thường nên làm kiểm tra mật độ xương 15 năm một lần. Nên kiểm tra thường xuyên hơn đối với những phụ nữ có một số yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương, chẳng hạn như hút thuốc, nghiện rượu, tiền sử bị gãy xương hông ở cha hoặc mẹ, hoặc có viêm khớp dạng thấp.

Tầm soát ung thư da

Mỗi năm một lần. Thường xuyên hơn nếu tiền sử gia đình có ung thư da hoặc tiền sử tiếp xúc với ánh mặt trời kéo dài.

Kiểm tra các bệnh về tim mạch

Ít nhất mỗi năm một lần hoặc khi cần thiết, đặc biệt nếu bạn đã từng trải qua tiền sản giật hoặc huyết áp cao khi mang thai, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch.

Bằng việc thực hiện các kiểm tra cần thiết trong từng giai đoạn xuyên suốt cuộc đời, phụ nữ đang tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của mình. Mọi lứa tuổi đều tồn tại những nguy cơ về các vấn đề sức khỏe, chủ động hơn trong việc tìm đến những thông tin và sự hỗ trợ y tế cần thiết là cách để bạn hiểu được cơ thể đang muốn nói gì.


Nguồn tài liệu : Health Matters

Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa

Đánh giá bài viết này

(12 lượt đánh giá).
4.8
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm