lcp

Lợi ích của dầu thầu dầu đối với sức khỏe và sắc đẹp

4.8

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt cây thầu dầu và đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe cũng như sắc đẹp. Vậy những lợi ích của loại dầu này là gì và cách sử dụng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Dầu thầu dầu là gì?

Cây thầu dầu là cây thân thảo khá phổ biến ở những vùng đồi núi. Có đặc điểm là cây nhỏ cao khoảng 5 mét, thân cây có màu nâu đỏ, cành non màu phấn trắng, lá có màu xanh đậm hoặc đỏ tía với nhiều cánh nhọn hình răng cưa, hoa cũng màu đỏ và mọc thành cụm. Quả thầu dầu có màu tím nhạt hoặc xanh lục và có hạt bên trong, hạt thầu dầu hình bầu dục, có màu nâu xám đi kèm với vân nâu hoặc đỏ.

Dầu thầu dầu hay còn có tên là Castor Oil hay dầu hải ly, là một loại dầu béo thực vật được lấy từ hạt của cây thầu dầu thông qua quy trình ép hạt. Với các thành phần hoạt chất bao gồm acid béo (90% là axid ricinoleic), acid amin, flavonoid, phenolic, terpenoid, phytosterol. Riêng thành phần Ricin là độc tố thường có trong hạt thầu dầu sẽ được loại bỏ thông qua quá trình ép lạnh sản xuất dầu.

dầu thầu dầu có tác dụng gì

Dầu thầu dầu chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe

2. Những lợi ích của tinh dầu thầu dầu đối với sức khỏe và sắc đẹp

Dầu thầu dầu đã được ứng dụng từ rất lâu đời trong lĩnh vực sức khỏe cũng như làm đẹp. Vậy dầu thầu dầu có tác dụng gì, sau đây là một số công dụng chủ yếu:

2.1. Dầu thầu dầu trị táo bón

Nhờ khả năng nhuận tràng tự nhiên, dầu thầu dầu sẽ giúp hỗ trợ quá trình đào thải chất thải qua ruột được dễ dàng hơn. Nhờ đó nhanh chóng làm sạch đường ruột, ngăn ngừa táo bón.

Bên cạnh đó dầu thầu dầu cũng giúp hỗ trợ các vấn đề liên quan tới đường tiêu hóa như kiết lị, xổ đường tiêu hóa, thuốc tẩy, chữa sót nhau thai, sa tử cung, bệnh trĩ...

2.2. Dầu thầu dầu trị rạn da khi mang thai

Thành phần axit ricinoleic trong dầu thầu dầu có khả năng giữ ẩm cho da, tăng cường sự đàn hồi của da, tránh mất nước và bảo đảm da luôn đủ ẩm. Do đó có thể sử dụng để ngăn chặn các vết rạn da trong thời kỳ mang thai hay vết rạn do tăng cân đột ngột.

dầu thầu dầu có tác dụng gì

Sử dụng dầu thầu dầu trị rạn da

2.3. Giúp vết thương nhanh lành

Nhờ khả năng kích thích tế bào mô da phát triển và khử trùng nên dầu thầu dầu thường được dùng để hỗ trợ nhanh lành vết thương, giảm khả năng nhiễm trùng và hạn chế bị loét da. Dầu thầu dầu cũng giúp hạn chế sự sừng hóa và giảm khô da.

2.4. Dầu thầu dầu giảm đau, kháng viêm

Thành phần kháng viêm mạnh mẽ Axid Ricinoleic giúp giảm các cơn đau và giảm viên trong các trường hợp đau khớp, thấp khớp, bệnh gout.

2.5. Dầu thầu dầu giúp giảm mụn

Do có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn tuyệt vời nên dầu thầu dầu sẽ giúp hạn chế mụn lan rộng, loại bỏ tế bào chết và vi khuẩn làm tắc lỗ chân lông, ngăn mụn tái phát. Bên cạnh đó còn giữ ẩm cho da, hạn chế dầu thừa, làm mờ thâm và làm dịu da bị kích ứng.

dầu thầu dầu có tác dụng gì

Dùng dầu thầu dầu để trị mụn và làm đẹp da

2.6. Dầu thầu dầu trị nấm chân răng

Nhờ đặc tính kháng nấm nên dầu thầu dầu sẽ giúp loại bỏ nấm candida albicans gây nấm nhiễm trùng chân răng.

2.7. Dầu thầu dầu dưỡng tóc và da đầu

Dầu có khả năng dưỡng ẩm vô cùng tốt và lại an toàn cho da đầu. Giúp giữ ẩm cho tóc khô xơ và phục hồi hư tổn, làm trơn thân tóc, giảm gãy rụng. Bên cạnh đó nhờ khả năng kháng viêm nên dầu thầu dầu cũng có thể dùng được với trường hợp viêm da tiết bã, trị gàu, nấm da đầu.

3. Cách sử dụng dầu thầu dầu

  • Để sử dụng trị táo bón, bạn có thể uống 1 muỗng dầu thầu dầu mỗi ngày trước khi đi ngủ, hoặc uống với mật ong hay nước cam cho dễ uống. Tuy nhiên không nên dùng quá 3 ngày vì có khả năng gây tiêu chảy. Với trẻ em, chỉ nên dùng ngoài da bằng cách xoa bóp dầu thầu dầu xung quanh vùng hậu môn để hỗ trợ đại tiện dễ dàng hơn.
  • Trị rạn da: Cách sử dụng là dùng bông tẩy trang được thấm dầu và xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị rạn. Giữ trong 1 tiếng và sau đó rửa lại với nước ấm cho sạch hết dầu. Thực hiện mỗi ngày 2 lần để nhanh có hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý sử dụng với phụ nữ mang thai cần có sự tham khảo trước của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

dầu thầu dầu có tác dụng gì

Sử dụng dầu thầu dầu đúng cách

  • Để giảm đau, kháng viêm và nhanh lành vết thương có thể bôi dầu lên những vùng bị tổn thương.
  • Cách sử dụng dầu để trị mụn như sau: Rửa sạch mặt, xông mặt với nước nóng trong 10 phút để lỗ chân lông giãn nở. Cho 1 muỗng dầu thầu dầu vào lòng bàn tay và xoa cho nóng lên. Áp bàn tay lên khắp mặt, đặc biệt vùng chữ T. Giữ nguyên trong 45 phút rồi rửa lại với nước sạch cho tới khi hết sạch dầu. Mỗi tuần chỉ làm 2 lần.
  • Để trị nấm răng miệng, chỉ cần súc miệng hàng ngày với dầu thầu dầu trong 10 phút để răng miệng khỏe mạnh.
  • Để dưỡng tóc và da đầu, nên thoa dầu lên da đầu và tóc khi còn khô, sau đó xoa bóp nhẹ nhàng, ủ tóc trong 10-15 phút. Cuối cùng gội lại cho sạch.

4. Lưu ý khi sử dụng tinh dầu thầu dầu

Mặc dù loại dầu thiên nhiên này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe cũng như sắc đẹp, thế nhưng để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng cần lưu ý những điều sau:

  • Không dùng dầu thầu dầu cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 3 tuổi.
  • Không dùng lên vết thương hở.
  • Chỉ nên bôi ngoài da cho mục đích làm đẹp da, dưỡng tóc.
  • Chỉ dùng đúng liều lượng, nếu quá liều dễ gây tiêu chảy.
  • Kiểm tra thử trên vùng da nhỏ trước khi dùng trên diện tích lớn.

Dầu thầu dầu đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác dụng phụ nguy hiểm cần chú ý. Khi muốn sử dụng loại dầu này trong điều trị các bệnh lý hay làm đẹp, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh được tác dụng phụ nguy hại tới bản thân.

Đánh giá bài viết này

(13 lượt đánh giá).
4.8
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm