lcp

Trầm cảm: nguyên nhân, 10 dấu hiệu và cách vượt qua trầm cảm

4.6

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Nhiều người vẫn nghĩ rằng trầm cảm chỉ là cảm giác buồn bã hay chán nản thoáng qua, rồi sẽ tự đến và tự đi. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm vì trầm cảm giống như một con quái vật vô hình âm thầm gặm nhấm niềm vui, sự hứng thú cũng như năng lượng tích cực của người bệnh, khiến họ chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời khiến họ mất niềm tin vào bản thân và thế giới xung quanh. Vậy rối loạn trầm cảm là bệnh gì, các mức độ trầm cảm, thường gặp ở những ai, nguyên nhân, dấu hiệu điển hình và bạn cần làm gì khi nhận thấy có các biểu hiện này. Hãy cùng Medigo tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tìm hiểu: Rối loạn trầm cảm là bệnh gì?

Rối loạn trầm cảm là một trong những dạng rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng bởi vì đây không chỉ là cảm giác tiêu cực thoáng qua mà là tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã dai dẳng và mất hứng thú với các hoạt động mà bản thân từng yêu thích trong khoảng thời gian dài và trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể có ý định tự tử. Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống như ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, công việc và cả những mối quan hệ xung quanh. 

Trầm cảm có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm, đây là căn bệnh mãn tính rất dễ tái phát nhiều lần(1).

>> Nghi ngờ bản thân bị trầm cảm? Trò chuyện với Bác Sĩ Tâm Lý ngay bây giờ!

rối loạn trầm cảm

Rối loạn trầm cảm khiến cho người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi và buồn bã

2. Phân loại và các mức độ trầm cảm

Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ phân loại rối loạn trầm cảm thành các các nhóm như sau(2)

  • Trầm cảm lâm sàng (trầm cảm nặng): bạn cảm thấy buồn bã, chán nản, khó ngủ, thay đổi khẩu vị ăn uống và mất hứng thú với các hoạt động xung quanh hầu hết các ngày trong tuần và các triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tuần. Đây là dạng trầm cảm phổ biến và nghiêm trọng nhất. 
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD): rối loạn trầm cảm dai dẳng còn gọi là rối loạn trương lực hay rối loạn khí sắc, đây là chứng trầm cảm nhẹ hoặc trung bình với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn trầm cảm nặng và chúng thường kéo dài ít nhất 2 năm.
  • Rối loạn điều hòa tâm trạng (DMDD): rối loạn này thường được chẩn đoán ở trẻ em, khi đó trẻ thường bộc phát cơn tức giận dữ dội một cách thường xuyên. 
  • Rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (PMDD): chị em sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, lo lắng và mất ngủ trong vòng 7 – 10 ngày trước khi đến kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng này thường xuất hiện trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt. 
  • Rối loạn trầm cảm do các bệnh lý khác: một số bệnh lý như suy giáp, bệnh Parkinson, bệnh tim hay ung thư tạo ra một số thay đổi trong cơ thể bạn, từ đó gây nên bệnh trầm cảm. 
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa: đây là một dạng rối loạn trầm cảm nặng thường bắt đầu vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa thu đông và biến mất vào mùa xuân hè.
  • Trầm cảm trước và sau khi sinh: loại trầm cảm này xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh ở phụ nữ, nguyên nhân là do những thay đổi về nội tiết tố, thể chất, cảm xúc cũng như tài chính khiến người mẹ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, cáu gắt, thiếu ngủ,...

>> Đọc thêm: Trầm cảm sau sinh liệu có đáng sợ?

trầm cảm sau sinh

Phụ nữ khi mang thai và sau sinh rất dễ mắc chứng trầm cảm 

  • Trầm cảm không điển hình: đây là rối loạn trầm cảm nặng, tuy nhiên cảm xúc trầm cảm của người bệnh có thể trở nên tốt hơn khi gặp các sự kiện tích cực. Người mắc chứng trầm cảm này thường tăng cảm giác thèm ăn và khá nhạy cảm với sự từ chối. 
  • Trầm cảm kháng trị: người bệnh đã thử nhiều phương pháp điều trị nhưng các triệu chứng trầm cảm vẫn chưa cải thiện tốt.

Ngoài ra, hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ còn phân loại trầm cảm dựa theo tiêu chí DSM-IV với các mức độ như sau(3)

  • Dưới ngưỡng trầm cảm: có ít hơn 5 triệu chứng rối loạn trầm cảm. 
  • Trầm cảm mức độ nhẹ: có trên 5 triệu chứng và các triệu chứng trầm cảm này chỉ gây suy giảm chức năng cơ thể mức độ nhẹ. 
  • Trầm cảm mức độ vừa phải: các triệu chứng trầm cảm gây ảnh hưởng đến chức năng cơ thể ở mức độ vừa phải.
  • Trầm cảm mức độ nặng: người bệnh có hầu hết các triệu chứng trầm cảm và có thể kèm theo chứng loạn thần, chúng gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

3. Một số nguyên nhân gây ra rối loạn trầm cảm

Trầm cảm có thể gặp ở bất cứ ai dù là độ tuổi hay giới tính nào, do những nguyên nhân đơn lẻ hay do sự kết hợp của các nguyên nhân bên dưới: 

  • Mất cân bằng các chất hóa học trong não: sự suy giảm nồng độ các hormone hạnh phúc như serotonin và noradrenalin là nguyên nhân gây ra rối loạn trầm cảm. 
  • Di truyền: nếu bạn có ba mẹ hay anh chị em ruột mắc bệnh trầm cảm thì bạn có khả năng mắc chứng trầm cảm cao gấp 3 lần so với người bình thường. 
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: các thuốc như Gabapentin, Sertraline, Metoprolol,... hay các chất kích thích như rượu bia có thể gây ra và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. 
  • Căng thẳng: những tổn thương ở giai đoạn thơ ấu hay những sự kiện như mất người thân, ly hôn, chấn thương cũng dễ dẫn đến trầm cảm.

>> Tìm hiểu: Trầm cảm tuổi thanh thiếu niên nguy hiểm thế nào?

tổn thương tâm lý lúc nhỏ có thể dẫn tới trầm cảm

Những tổn thương tâm lý thời thơ ấu như bị đánh đập hay bắt nạt rất dễ dẫn đến trầm cảm

  • Do ảnh hưởng của các bệnh khác: các bệnh lý như đái tháo đường, tai biến mạch máu não hay sa sút trí tuệ cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

4. 10 dấu hiệu cảnh báo rối loạn trầm cảm không thể bỏ qua

1. Rối loạn giấc ngủ

Người mắc hội chứng trầm cảm thường bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng do những suy nghĩ tiêu cực, lo âu cứ len lỏi khắp tâm tí của họ. Một số người khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn hay bị thức giấc quá sớm. Tuy nhiên cũng một số người lại ngủ quá nhiều nhưng giấc ngủ này cũng không mang lại cảm giác sảng khoái, mà khiến họ mệt mỏi và uể oải thêm.

rối loạn giấc ngủ là biểu hiện trầm cảm
Khó đi vào giấc ngủ hay ngủ quá nhiều là dấu hiệu phổ biến cảnh báo trầm cảm 

2. Suy giảm khả năng tập trung

Trầm cảm xảy ra do sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức bao gồm khả năng tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định của người bệnh(4). Họ dễ bị phân tâm bởi những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời thiếu động lực, thiếu sự tự tin cũng như không có khả năng đánh giá rõ ràng các lựa chọn. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn đến sinh hoạt hằng ngày, vấn đề học tập và công việc của bạn.  

3. Thường xuyên có ý định tự tử

Các nghiên cứu cho thấy rằng, rối loạn trầm cảm mức độ nặng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 50% trường hợp tự sát hiện nay(5). Đây là tình trạng cực kỳ báo động vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, do đó nếu bạn có những suy nghĩ về cái chết hay có ý định tự tử thì phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý ngay lập tức.

người bệnh trầm cảm có xu hướng tự tử

Người bệnh thường xuyên có ý định tự tử là dấu hiệu nghiêm trọng của trầm cảm 

4. Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng 

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng ngay cả khi nghỉ ngơi là một trong những triệu chứng phổ biến của trầm cảm. Bởi vì trầm cảm làm tiêu hao năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh, khiến họ luôn trong tình trạng kiệt sức và không muốn làm bất cứ việc gì. 

5. Rối loạn ăn uống

Trầm cảm và rối loạn ăn uống có mối quan hệ mật thiết ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó người bị trầm cảm thường khó kiểm soát hành vi ăn uống. Một người mắc bệnh trầm cảm có thể ăn uống một cách vô tội vạ với một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, dẫn đến tăng cân mất kiểm soát. Hoặc người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng chán ăn làm sụt cân nghiêm trọng.

>> Không biết mình bị thiếu cân hay thừa cân? Kiểm tra ngay!

trầm cảm có thể dẫn đến rối loạn ăn uống
Người bị trầm cảm thường khó kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân 

6. Phản ứng chậm hơn bình thường 

Tốc độ nói của người mắc bệnh trầm cảm có thể chậm hơn bình thường do họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ phù hợp để diễn đạt suy nghĩ của mình. Ngoài ra, khả năng vận động của người trầm cảm cũng bị ảnh hưởng, khiến họ có những cử chỉ và hành động chậm chạp. 

7. Giảm khí sắc

Sở hữu nét mặt đượm buồn, ảnh mắt lơ đãng, đơn điệu và cử chỉ chậm chạp là những đặc điểm khi miêu tả về người mắc chứng rối loạn trầm cảm. Những suy nghĩ tiêu cực, hoài nghi về bản thân khiến cho họ cảm thấy buồn bã, chán nản và điều này thể hiện rất rõ qua ánh mắt và nét mặt của người trầm cảm.

người bị trầm cảm thường mang nét mặt u buồn
Ánh mắt lơ đãng hay nét mặt đượm buồn là những đặc điểm khi mô tả về người trầm cảm 

8. Mất hứng thú với thế giới xung quanh là dấu hiệu của trầm cảm

Người mắc hội chứng trầm cảm không còn cảm thấy hứng thú với những hoạt động mà trước đây họ từng thích thú chẳng hạn như đọc sách, xem phim, chơi thể thao hay gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, họ cũng thường hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách sống thu mình lại, từ đó dẫn đến việc rạn nứt các mối quan hệ. Đặc biết, rối loạn trầm cảm cũng làm kìm hãm ham muốn tình dục của người bệnh. 

9. Đau nhức không rõ nguyên nhân

Trầm cảm khiến cho cơ thể người bệnh nhạy cảm hơn với các kích thích gây đau, từ đó làm tăng cảm giác đau. Họ có thể cảm thấy đau đầu, đau nhức cơ xương hay đau bụng mà không rõ nguyên nhân gây ra.

trầm cảm khiến tăng cảm giác đau
Người bị trầm cảm thường cảm thấy đau nhức khắp cơ thể mà không rõ nguyên nhân 

10. Người trầm cảm luôn có cảm giác vô dụng và tội lỗi

Cảm giác vô dụng và tội lỗi luôn thường trực trong suy nghĩ của người mắc bệnh trầm cảm. Họ có xu hướng nghi ngờ, tự đánh giá thấp năng lực của bản thân và tự trách bản thân mình khi phạm phải bất cứ lỗi lầm nào dù lớn hay nhỏ, thậm chí họ hoang tưởng, tự nghĩ ra lỗi và tự buộc tội chính bản thân mình.

5. Giải đáp: Trầm cảm có nguy hiểm không?

Trầm cảm có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu không nhận được sự can thiệp y tế kịp thời. 

  • Ảnh hưởng đến chất lượng của công việc, học tập
  • Khiến cho người bệnh khó tập trung
  • Làm suy giảm khả năng ghi nhớ
  • Khó đưa ra quyết định
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp hay dạ dày
  • Khiến người bệnh tự tử để giải thoát cho chính bản thân mình

6. Cách vượt qua trầm cảm

Khi nhận thấy các triệu chứng trầm cảm gây trở ngại đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của bạn thân hoặc là khi bạn dùng thuốc điều trị nhưng các triệu chứng vẫn không cải thiện thì bạn cần tìm đến bệnh viện hay chuyên khoa tâm lý, tâm thần ở các phòng khám uy tín để được chẩn đoán và điều trị. 

Qua quá trình thăm khám lâm sàng, thực hành các xét nghiệm y khoa và đánh giá mức độ trầm cảm mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc (SSRI, SNRI, MAOI, thuốc chống trầm cảm 3 vòng,...), liệu pháp tâm lý trị liệu, phương pháp sốc điện (ECT) hay kích thích từ xuyên sọ (TMS).(6) 

Khi điều trị trầm cảm, bạn hãy tuân thủ theo đúng phác đồ của bác sĩ và cân nhắc điều trị lâu dài ngay cả khi các triệu chứng trầm cảm đã thuyên giảm để phòng tránh trường hợp trầm cảm có thể quay lại. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện các bài tập yoga hay ngồi thiền đồng thời nuôi dưỡng sự lạc quan. Ngoài ra, bạn nên chia sẻ với gia đình, bạn bè về vấn đề bản thân đang gặp phải để nhận được sự đồng cảm và có hướng đi tốt nhất cho bản thân.

tư vấn chuyên gia tâm lý để chữa khỏi trầm cảm
Bạn nên nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý khi thấy triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng quá mức đến sinh hoạt hằng ngày 

Như vậy thì bài viết trên của Medigo đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng trầm cảm cũng như hướng dẫn bạn cách xử lý khi gặp tình trạng này. Trầm cảm có thể khỏi hoàn toàn nếu như bạn kiên trì điều trị, đồng thời bạn hãy giữ cho mình niềm tin, hy vọng và nhớ rằng bên cạnh bạn luôn có gia đình, bạn bè cũng như các chuyên gia tâm lý sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc. Bạn cũng có thể nhờ sự tư vấn đến từ các bác sĩ Medigo để hiểu hơn về tình trạng bệnh này nhé.

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt ngày 11/06/2024

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tốt nghiệp khoa dược tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược. Hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung tại ứng dụng MEDIGO.

Đánh giá bài viết này

(11 lượt đánh giá).
4.6
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm


Nguồn tham khảo