lcp

Bạch quả là gì? Món ăn bổ dưỡng và bài thuốc từ Bạch quả


Bạch quả là một loại cây sống lâu năm và có tác dụng dược lý đáng kinh ngạc. Dược liệu từ bạch quả được biết đến như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, tốt cho trí não và giúp hạ huyết áp. Không những thế, quả từ cây bạch quả còn có tác dụng làm đẹp và rất tốt cho thị lực người bệnh tiểu đường. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về các công dụng và bài thuốc hữu hiệu từ loại cây này trong nội dung bài viết hôm nay.

Mô tả Bạch quả

Bạch quả có tên gọi khác là Ngân hạnh, Áp cước tử, Công tôn thụ và có tên khoa học là Ginkgo biloba L. thuộc họ Ginkgoaceae (họ Bạch quả). Đây là một trong những cây sống lâu đời nhất (xuất hiện cách đây 200 triệu năm) và được coi là hóa thạch sống.

Đặc điểm Bạch quả

Cây Bạch quả to, cao từ 20-30m, thân hình trụ, phân nhiều cành dài và gần như mọc vòng, tán lá sum suê, lá có cuống dài hơn phiến lá. Lá cây mọc so le, thường mọc thành chùm, lá có hình phiến quạt, phía gốc thuôn, đầu nhọn, mép trên tròn, nhẵn, lõm ở giữa, chia phiến thành hai thùy rộng. Hình quạt của lá tỏa ra từ gốc lá, phân nhánh theo hướng rẽ đôi, có nhiều gân lá sát nhau.

Bạch quả là cây lưỡng tính, chỉ có hoa đực và chỉ có hoa cái. Các hoa cái được thụ phấn từ hoa đực để tạo quả. Quả là dạng quả hạch kích thước cỡ quả mận, hình bầu dục, thịt quả màu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu.

Cây Bạch quả được xem là loại cây quý có lịch sử hàng trăm triệu năm từ thời tiền sử cùng với khủng long, đến nay hình dáng vẫn không hề thay đổi. Theo Vườn thực vật Missouri, may mắn một số ít cây Bạch quả sống sót ở Trung Quốc qua một sự kiện tuyệt chủng lớn sau kỷ băng hà. Nhận thấy giá trị quý của cây này, người Trung Quốc đã bắt đầu nhân giống nó. Đến nay, một số cây được tìm thấy ở Trung Quốc đã hơn 2.500 năm tuổi. 

Bạch quả được trồng thành đồn điền lớn. Các khu vực trồng nhiều cây này có An Huy, Phúc Kiến, Quý Châu, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Giang Tô, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam và các tỉnh khác. Ở Việt Nam, giống cây Bạch quả được nhập từ Nhật Bản và Pháp về trồng ở Sa Pa từ những năm 1995 nhưng cây phát triển rất chậm.

Bộ phận dùng

Bộ phận được dùng làm dược liệu của cây Bạch quả là quả và lá đã được phơi/ sấy khô.

Thu hái và chế biến

Hạt được thu hoạch từ quả chín, sau đó bỏ phần cùi bên ngoài, rửa sạch và phơi khô rồi bảo quản để sử dụng. Khi dùng, hạt được tán nhuyễn, bỏ phần vỏ cứng và lấy lõi, bóc đi lớp màng bên ngoài, rửa sạch hoặc trụng vào nước sôi rồi sấy khô ở nhiệt độ thấp. Hạt Bạch quả khi dùng sống hoặc sao vàng đều chứa độc nên cần đặc biệt lưu ý.

Hiện nay Bạch quả được bào chế làm thuốc ở dạng viên nang, viên nén, dạng chiết xuất lỏng hoặc lá/trà khô. Hầu hết các nghiên cứu dược lý đều được sử dụng với chiết xuất bạch quả tinh khiết. Tuyệt đối không dùng hạt Bạch quả sống vì chúng có độc.

bạch quả

Thành phần hoá học

Trong các bộ phận của cây Bạch quả chứa các thành phần hóa học như:

  • Nhân chứa 5,3% protein, 1,5% chất béo, 68% tinh bột, 1,57% tro và 6% đường.
  • Vỏ quả có chứa acid ginkgolic, bisphenol và rượu vàng và bạc.
  • Lá chứa hai thành phần hoạt tính là flavonoid và terpen

Trong đó, Flavonoid (Ginkgo flavonoid) là hợp chất trong đó phần aglycon là flavonol (quercetin, kaempferol, isorhamnetin) và phần đường là glucose và rhamnose. Ngoài ra còn có một lượng nhỏ proanthocyanidins. Còn nhóm terpen gồm ginkgolides có vị đắng (diterpenes) và diphylactones (sesquiterpenes).

Ngoài ra, cao bạch quả (Ginkgo biloba) còn chứa một số axit hữu cơ khác.

Tác dụng của Bạch quả

Cây Bạch quả được xem là một loại cây dược liệu quý với nhiều công dụng như

Cải thiện trí nhớ: Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng Bạch quả trong thời gian dài (khoảng 1 năm) giúp cải thiện đáng kể một số triệu chứng của bệnh Alzheimer hay các chứng mất trí nhớ khác. 

Giảm lo âu, căng thẳng: Dùng Bạch quả trong 4 tuần cho thấy tác dụng làm giảm các triệu chứng lo âu nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa của Bạch quả.

Bảo vệ tim mạch: Bạch quả đã được nghiên cứu có tác dụng điều chỉnh sự trao đổi chất, giãn mạch, ổn định mỡ máy và ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh lý tim mạch.

Tốt cho thị lực ở người mắc bệnh tiểu đường: Những người bệnh bị tổn thương võng mạc do bệnh tiểu đường có thể cải thiện thị lực trong 6 tháng nhờ uống chiết xuất bạch quả

Giảm đau chân khi đi bộ: Tình trạng đau chân khi đi bộ có liên quan đến lưu lượng máu kém. Việc uống chiết xuất lá Bạch quả có tác dụng giúp hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn, người bệnh có thể đi lại mà không bị đau, từ đó giảm khả năng phải phẫu thuật.

Giảm hội chứng tiền kinh nguyệt: Bạch quả có tác dụng giảm đau vú và các triệu chứng liên quan đến tiền kinh nguyệt.

Giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt: dùng Bạch quả kết hợp với thuốc an thần trong 8-16 tuần cho thấy khả năng giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt và hạn chế các tác dụng phụ do thuốc tâm thần.

Chống lão hóa: hợp chất Flavonoid trong Bạch quả được biết đến như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa lão hóa và chống lại các tác hại của các chất độc hại.

Món ngon từ Bạch quả

Ngoài công dụng làm thuốc chữa bệnh, Bạch quả còn là nguyên liệu tạo nên nhiều món ngon tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những món ăn bổ dưỡng từ Bạch quả

  • Táo nấu bạch quả: Sơ chế táo rồi cắt thành miếng nhỏ, nấu cùng bạch quả trong nước đường là bạn đã có một món ăn ngon miệng thanh mát.
  • Gà nấu bạch quả: Hầm gà trên lửa vừa cho đến khi thật mềm, sau đó cho táo đỏ, bạch quả vào nấu, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn để có một món canh hầm thơm ngon đưa cơm cho cả gia đình.
  • Chè bạch quả hạt sen: Sơ chế Bạch quả và hạt sen, sau đó nấu đến khi mềm, cho đường phèn vào là bạn đã có một món ăn giải nhiệt hiệu quả.
  • Chè bạch quả bo bo: Hầm bạch quả cho đến khi mềm, cho be be vào nấu cùng, cuối cùng cho nước cốt dừa vào là xong.

Bài thuốc từ Bạch quả

Bài thuốc trị cảm lạnh, ho nhiều đờm, thở suyễn: Bọc Bạch quả trong lá ngải cứu rồi đem đi nướng chín để ăn, dùng ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 quả.

Hỗ trợ chữa hen phế quản, ho suyễn, lao phổi: Dùng 10g Bạch quả đem bỏ vỏ, thêm nước, đun chín, sau đó cho mật ong vào khuấy đều là dùng được. Ngày ăn 1 lần vào buổi tối.

Bài thuốc ngăn ngừa bạc tóc: chuẩn bị 30g Bạch quả, 150g hà thủ ô và 100g vừng đen, 250g đậu đen. Tất cả đem sao chín, tán thành bột mịn rồi bảo quản trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày dùng 30g, hòa với nước ấm để chiêu thuốc.

Bài thuốc hỗ trợ đái tháo đường: Bạch quả 15g, lá ổi non 15g, râu ngô 30g. Sắc uống trong ngày. Kiêng kỵ đại tiện táo không dùng.

Thang bạch quả định suyễn: 20g Bạch quả sao vàng, 12g ma hoàng, 8g tô tử, 8g khoản đông hoa, 8g chế bán hạ, 8g tang bạch bì (tẩm mật sao), 6g hạnh nhân (đã bỏ vỏ và đầu nhọn), 6g hoàng cầm (sao qua), 4g cam thảo. Tất cả cho vào ấm sắc với 600 mlc đến khi còn 250ml là được, chia làm 3 phần, uống trong ngày.

Hỗ trợ điều trị bệnh đường tiết niệu, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục: Lấy 10g Bạch quả nướng chín dùng ăn trong ngày.

Trị mộng tinh: dùng 3-5g Bạch quả đem đun với rượu để uống, dùng 5 ngày liền.

Bài thuốc trị đới hạ: Chuẩn bị Bạch quả, khiếm thực, sơn dược, xa tiền tử, mỗi vị 9g, đem sắc lấy thuốc uống trong ngày.

Lưu ý khi sử dụng Bạch quả

  • Bạch quả là dược liệu khá an toàn và dung nạp tốt. Liều dùng khuyến cáo cho chiết xuất EGb 761 là tối đa 240mg/ngày. Có thể có một vài tác dụng phụ nhẹ như đau đầu, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, táo bón, dị ứng
  • Bệnh nhân rối loạn chảy máu hoặc người đang dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc tiểu cầu hoặc các liệu pháp chống đông máu cần thận trọng khi sử dụng Bạch quả
  • Đặc biệt thận trọng khi dùng Bạch quả cho phụ nữ mang thai hay cho con bú và cho trẻ sơ sinh
  • Bệnh nhân trầm cảm cần hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi dùng dược liệu này.

Trên đây là thông tin tham khảo về cây Bạch quả cũng như công dụng và các bài thuốc, món ăn tốt cho sức khỏe từ loại dược liệu quý này. Bạn có thể chế biến các món ăn  vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh từ Bạch quả. Tuy nhiên nếu muốn dùng các bài thuốc chữa bệnh từ loại cây này, bạn cần có sự đồng ý và hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn và dùng thuốc đúng cách.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.