lcp

Cam Thảo Bắc: Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh


Cam thảo bắc hay còn được gọi là Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo,... thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Fabaceae. Trong y học, cam thảo có tác dụng làm giảm sưng, giảm ho và tăng lượng các chất trong cơ thể, nhanh chữa lành vết loét, bồi bổ cơ thể, giảm cholesterol, giải độc, bảo vệ gan, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Cam thảo bắc sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cam thảo bắc cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

cam thảo bắc

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây cam thảo bắc, Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo.
  • Tên khoa học: Glycyrrhiza uralensis Fisch., Glycyrrhiza glabra L. và Glycyrrhiza inflata Bat..
  • Họ:  họ Đậu (Fabaceae).
  • Công dụng: Saponin trong cam thảo có tác dụng giảm ho, long đờm, tác dụng chống loét dạ dày, ức chế tác dụng gây tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng. Thành phần flavonoid của cam thảo có tác dụng kháng Helicobacter pylori trên thực nghiệm.

Mô tả cây Cam thảo bắc

Cây nhỏ mọc nhiều năm, có một hệ thống rễ và thân ngầm rất phát triển. Rễ dài màu vàng nhạt. Thân ngầm dưới đất có thể đâm ngang đến 2 mét. Từ thân ngầm này lại mọc lên các thân cây trên mặt đất. Phần thân mọc thẳng đứng, cây nhô trên mặt đất có chiều cao chừng 0,4 – 0,7m. Phần thân non xuất hiện nhiều khía dọc.

Lá mọc so le, kép, có lông chim lẻ, gồm 9 - 17 lá chét hình bầu dục. Phiến lá nguyên và có xu hướng hẹp dần ở gốc, mép lá có răng cưa ở nửa cuối thân, gân lá hình lông chim.

Hoa hình bướm màu tím nhạt; loài G. glabra có cụm hoa dày hơn loài G. uralensis. Cụm hoa ở nách lá, hoa nhỏ hơn, màu hoa oải hương. Hoa nhỏ hơn có màu trắng, mọc riêng rẽ hoặc mọc thành từng đôi xen ở kẽ lá.

Quả loại đậu, loài G. glabra nhẵn và thẳng, loài G. uralensis quả cong và có lông cứng. Cuống quả dài chừng 0,8 – 1,5 cm. Vỏ quả cong hình lưỡi liềm, dài 3 - 4 cm, rộng 6 - 8 mm. Quả tồn tại ở kẽ lá có màu nâu đen. Còn đài đồng trưởng và quả bên trong có hình dạng hơi tròn, núm nhụy thò ra ở đỉnh quả, dài chừng 1 – 2mm.

cây cam thảo bắc

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây cam thảo là thảo dược quý có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số nước như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Hiện nay, cây cam thảo được di thực trồng ở nhiều nơi khác nhau. Ở Việt Nam cây cam thảo được trồng trong cả nước nhất là các tỉnh phía Bắc.

Thu hoạch: Sau 3-4 năm thì thu hoạch vào cuối thu. Ba năm đầu có thể trồng xen các hoa màu khác. Rễ và thân ngầm đào lên, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, ủ đống làm cho màu trở nên vàng. Rễ và thân ngầm thường được cắt thành đoạn dài 15 – 30 cm, đường kính 5 – 20mm, bó thành từng bó.

Chế biến: Sau khi đào lấy rễ, xếp thành đống để cho hơi lên men làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn, phơi hoặc sấy khô. 

Bộ phận sử dụng của Cam thảo bắc

Rễ hoặc thân cây sau khi thu hoạch. Đoạn rễ hình trụ, thẳng hay hơi cong queo, thường dài 20-30 cm, đường kính 0,5-2,5 cm. Cam thảo chưa cạo lớp bần bên ngoài có màu nâu đỏ cùng những vết nhăn dọc. Cam thảo đã cạo lớp bần có màu vàng nhạt. Khó bẻ gãy, vết bẻ màu vàng nhạt có nhiều xơ dọc. Mặt cắt ngang có nhiều tia ruột từ trung tâm tỏa ra, trông giống như nan hoa bánh xe.

tác dụng của cam thảo bắc

Thành phần hóa học

Các saponin

Saponin là nhóm hợp chất quan trọng nhất trong Cam thảo, trong đó acid

glycyrrhizic (còn gọi là acid glycyrrhizic) là chất quan trọng nhất.Glycyrrhizin là dạng muối Mg và Ca của acid glycyrrhizic. Glycyrrhizin là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10-14% trong dược liệu khô, chỉ có trong bộ phận ở dưới mặt đất, có vị rất ngọt (gấp 60 lần đường saccharose). 

Trong cam thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carboxyl ở C-29), acid 18-hydroxy-glycyrrhetic, acid 24-hydroxyglycycrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, 24-a-hydroxyisoglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxoglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic.

Các flavonoid

Đây là nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai trong rễ Cam thảo với hàm

lượng 3 - 4%. Liquiritin (liquiritirosid) và isoliquiritin (isoliquiritirosid) là hai

chất quan trọng nhất. Ngoài ra còn có isoflavan (gla-bridin), isoflavon (glabron), isoflaven (glabren).

Các dẫn chất coumarin

Umbelliferon, herniarin, liqcoumarin (= 6-acetyl-5-hydroxy-4-methyl coumarin).

Ngoài ra, trong rễ Cam thảo còn có 20-25% tinh bột, 3-10% glucose và saccharose. Toàn bộ các chất chiết được bằng nước có thể đến 40%, Phần trên mặt đất của cây Cam thảo cũng đã xác định được các ílavonoid: pinocembrin (=5,7-dihydroxy flavanon), prunetin (=5,4'-dihydroxy-7-methoxyisoflavon), isomucro-nulatol (= 7,2'-dihydroxy-3',4'-dimethoxy isoflavon).

Tác dụng của Cam thảo bắc

Theo y học cổ truyền

Cam thảo có tính bình và vị ngọt. Cam thảo có tác dụng giải độc và tả hoả; Cam thảo tẩm mật sao vàng (Chích thảo) có tính ấm và có tác dụng bổ (ôn trung) nhuận phế, điều hoà các vị thuốc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cam thảo được dùng chữa cảm, mất tiếng, ho, viêm họng, đau dạ dày, mụn nhọt, tiêu chảy, ngộ độc. Chích thảo dùng chữa tỳ vị hư nhược, thân thể mệt mỏi, kém ăn, tiêu chảy, ho do phế hư, khát nước do vị hư.

Theo y học hiện đại

Theo nghiên cứu thực nghiệm các tác dụng gây trấn tĩnh, giảm ho, ức chế thần kinh trung ương, tác dụng giải co thắt cơ trơn, tăng bài tiết mật, gây tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng, tác dụng giải độc, tác dụng oestrogen, nhuận tràng, lợi tiểu.

Liều lượng và cách dùng Cam thảo bắc

Ngày dùng 4 – 20g dưới dạng thuốc hãm, thuốc bột, nước nấu và cao mềm.

Bài thuốc chữa bệnh từ Cam thảo bắc

Chữa ho lao, ho lâu ngày: Dùng Cam thảo nướng 120g tán bột, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần (Nam dược thần hiệu).

Loét dạ dày: dùng cao Cam thảo 2 phần, nước uống 1 phần hoà tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Không uống liên tục quá 3 tuần lễ.

Chữa tâm phế suy nhược, khó thở, mệt xỉu, mạch nhỏ yếu (huyết áp thấp hay hạ đường huyết): Dùng Cam thảo 12g, Đương quy 10g, Nhị sâm 8g, tán bột uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần, hay sắc uống lúc nguy cấp.

Chữa mụn nhọt, ngộ độc: Dùng cao mềm Cam thảo, ngày uống 1-2 thìa cà phê.

Lưu ý khi sử dụng Cam thảo bắc

Không dùng chung với các vị Đại kích, Nguyên hoa, Hải tảo, Cam toại. Nếu dùng liều cao Cam thảo (10 - 14g/ngày) kali bị đào thải qua thận gây ra đau đầu, thở ngắn, tăng huyết áp, phù nề. Triệu chứng trên được giải thích do chất chuyển hóa của acid glycyrrhetinic có tác dụng ức chế enzym chuyển hóa cortisol thành cortison không hoạt tính trong thận. Lượng cortisol tăng lên gắn vào các thụ cảm mineralocorticoid gây ra hiện tượng giữ nước và natri, làm hạ kali huyết và tăng huyết áp. Người có huyết áp cao không nên dùng Cam thảo. Dùng Cam thảo có thể gây đục thủy tinh thể.

Bảo quản cam thảo bắc

Sấy khô sau đó tán thành bột mịn, bảo quản nơi khô thoáng

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Cam thảo bắc. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Võ Văn Việt

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Võ Văn Việt đã có hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả, cung cấp thông tin về dược phẩm, sức khỏe cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng thuốc đạt chất lượng đến tay người bệnh.