5 bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi hiệu quả
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Nguyên nhân khiến ho lâu ngày không khỏi
Ho lâu ngày là hiện tượng ho dai dẳng, kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần nếu không được điều trị kịp thời, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Nếu để bị ho quá lâu có thể dẫn đến bị viêm phổi, viêm phế quản… Vậy những nguyên nhân khiến bạn bị ho lâu ngày không khỏi là gì?
Ho lâu ngày không khỏi làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống.
Một số nguyên nhân khiến ho dai dẳng mãi không khỏi có thể vì:
- Cảm lạnh, cảm cúm: Đây là nguyên nhân khá phổ biến khiến bạn bị ho. Tình trạng ho này có thể hết sau vài ngày.. Tuy nhiên, nếu biểu hiện ho vẫn kéo dài có thể là do virus đã xâm nhập vào hệ hô hấp, làm sưng, viêm đường hô hấp.
- Tiền sử về hô hấp: bị hen suyễn, dị ứng. Ngoài ra còn có thể do các bệnh lý cấp tính như viêm họng cấp, viêm amidan, viêm xoang cấp, viêm thanh khí quản,...
- Bệnh trào ngược acid dạ dày (hay còn gọi là GERD) cũng có thể gây ho do acid trào ngược lên thực quản, kích thích dây thần kinh dẫn đến ho dai dẳng.
- Không khí nơi bạn ở quá khô hoặc ẩm (ví dụ như nằm phòng điều hòa quá lâu) cũng là yếu tố làm bạn ho, đặc biệt là với bệnh nhân có bệnh về hô hấp, bệnh hen suyễn.
2. 5 bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi
Thông thường, nếu sử dụng thuốc tây sẽ cải thiện được tình trạng ho nhanh chóng sau 1-2 ngày. Nhưng nếu lạm dụng dùng thuốc tây quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và các cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, bạn có thể áp dụng 5 bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi bằng thảo dược thiên nhiên sau đây để giảm triệu chứng của bệnh.
2.1. Sử dụng gừng
Trong gừng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, có khả năng kháng khuẩn. Hoạt chất gingerol trong gừng có tác dụng diệt vi khuẩn, giảm sưng, chống viêm giúp cải thiện triệu chứng ho.
Gừng có tác dụng chống viêm, giảm ho và làm ấm cơ thể.
Cách làm như sau:
- Cách 1: Sử dụng 1 củ gừng tươi đem gọt vỏ và rửa sạch. Thái gừng thành từng lát mỏng, cho vào bát và thêm lượng đường phèn vừa đủ rồi đem hấp cách thủy trong 15 phút. Sau khi hấp xong, để nguội, bạn có thể dùng gừng để ngậm 2-3 lần mỗi ngày. Ngậm thường xuyên trong vài ngày bạn sẽ thấy triệu chứng ho được giảm rõ rệt.
- Cách 2: Làm trà gừng. Sử dụng 1 củ gừng đã cạo vỏ, rửa sạch và thái lát mỏng. Sau đó đem đun sôi khoảng 15-20 phút để bớt vị cay của gừng. Tiếp đó cho thêm 2-3 thìa mật ong vào nồi và đun thêm khoảng 7-10 phút rồi tắt bếp. Uống 1-2 ly trà gừng mỗi ngày giúp làm ấm họng, giảm ho.
2.2. Sử dụng mật ong
Mật ong không còn xa lạ với chúng ta và được coi là sản phẩm mang lại nhiều tác dụng đối với cơ thể con người. Trong mật ong ngoài có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết cho cơ thể còn có chứa chất antioxidant cao. Đây là chất kháng khuẩn tự nhiên giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, làm sạch họng, có tác dụng làm lành các tổn thương niêm mạc, giảm kích ứng ho, tăng đề kháng của cơ thể.
Mật ong có chứa chất kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Sử dụng mật ong và chanh tươi sẽ giúp xoa dịu cổ họng đang bị đau do ho, làm giảm ngứa họng, giảm ho. Bạn vắt lấy nước ½ quả chanh, bỏ hạt. Tiếp đến cho 1-2 thìa cà phê mật ong vào trong nước cốt chanh vừa vắt được, thêm 1 cốc nước ấm vào khuấy đều và thưởng thức. Bạn nên dùng cả vỏ chanh để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Uống một cốc chanh mật ong ấm vào mỗi buổi sáng sẽ có hiệu quả tốt cho việc trị ho, giảm đau dạ dày.
Bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi bằng mật ong không nên dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi do có thể gây ngộ độc hoặc liệt cơ.
2.3. Sử dụng lá húng chanh
Húng chanh ngoài được dùng làm thực phẩm chúng còn có tác dụng giảm viêm họng, trị ho hiệu quả. Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn, kích thích miễn dịch. Húng chanh có tính ấm, vị cay, thơm, hơi chua, thơm mùi chanh, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm.
Húng chanh có chứa một lượng tinh dầu giúp ức chế vi khuẩn hô hấp, kích thích miễn dịch.
Cách dùng húng chanh để chữa ho như sau: Dùng 5-7 lá húng chanh đem rửa sạch và cho vào cốc nước sôi hãm trong 5 phút. Sau đó thêm ít đường phèn, khuấy đều và uống. Hoặc bạn có thể vắt lấy nước cốt, pha thêm với ít đường và nước rồi uống để giảm ho, kích thích miễn dịch cơ thể.
2.4. Sử dụng lê và đường phèn
Lê hấp đường phèn là một món ăn ngon bổ dưỡng, an toàn, giúp trị ho hiệu quả, phù hợp sử dụng để làm dứt cơn ho ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Lê hấp đường phèn là bài thuốc trị ho đơn giản, hiệu quả, phù hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Để làm lê chưng đường phèn trị ho, hãy làm theo các bước sau:
- Bước 1: Rửa sạch quả lê, cắt bỏ một phần đầu quả lê, dùng muỗng nạo bớt phần lõi phía bên trong.
- Bước 2: Cho đường phèn và kỳ tử vào bên trong quả lê, đậy nắp lê vừa cắt và cho vào nồi.
- Bước 3: Hấp cách thủy trong khoảng 45-60 phút cho đến khi lê mềm, đường phèn tan hết là được.
Sau đó bạn có thể ăn 2-3 lần/ ngày và liên tục trong 3-5 ngày để điều trị ho hiệu quả. Ngoài kỳ tử, bạn có thể thêm một vài loại thảo dược, trái cây khác để tăng tác dụng chữa ho và tăng chất dinh dưỡng như táo đỏ, gừng, đậu đen,...
2.5. Sử dụng củ cải trắng
Củ cải trắng không chỉ được dùng để chế biến các món ăn mà còn được dùng trong các bài thuốc trị ho rất hiệu quả. Củ cải trắng chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể như protid, glucid, vitamin B1, vitamin C,... Trong củ cải trắng còn chứa raphanin giúp ức chế một số vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, E.coli,... Đây là những vi khuẩn gây một số bệnh lý về hô hấp và gây ho, viêm phổi.
Củ cải trắng được ví như “nhân sâm trắng mùa đông” với tác dụng giảm ho hiệu quả.
Có 2 cách để trị ho lâu ngày bằng củ cải trắng:
- Cách 1: Dùng củ cải trắng và đường phèn: Lấy 1 củ củ cải trắng rửa sạch, gọt vỏ và thái sợi. Đem trộn củ cải trắng cùng đường phèn rồi cho vào trong hũ thủy tinh. Để qua đêm rồi chắt lấy nước để uống liên tục trong vòng 3-5 ngày để thấy hiệu quả giảm ho. Bài thuốc này có thể dùng cho cả trẻ em, người trưởng thành và người cao tuổi.
- Cách 2: Sử dụng nước ép củ cải trắng: Lấy 1 củ cải trắng tươi, rửa sạch, gọt vỏ và thái hạt lựu. Đổ củ cải vào nồi cùng khoảng 500-800 ml nước lọc. Đun sôi trong 15 phút rồi tắt bếp, để nguội. Lọc bỏ bã lấy nước để uống hàng ngày, giúp giảm ho nhanh chóng.
3. Khi nào nên tới gặp bác sĩ
Ho lâu ngày không khỏi có thể do rất nhiều nguyên nhân và có thể là dấu hiệu của căn bệnh nào đó nguy hiểm, cần được điều trị sớm. Nếu bạn đã thử các bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi bằng thảo dược thiên nhiên mà vẫn không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.
Trên đây là 5 bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi mà Medigo app muốn giới thiệu đến bạn. Hy vọng với nội dung bài viết này, bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích giúp cho cả gia đình khi gặp vấn đề về sức khỏe.
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm